XỬ LÝ CƠ HỌC LÀ GÌ?

1. Khái niệm xử lý cơ học

Xử lý cơ học (hay còn gọi là xử lý vật lý – xử lý bậc một) là một trong những phương pháp xử lý nước thải khá phổ biến đối với hầu hết các loại nước thải. Thực chất của phương pháp xử lý nước thải bằng cơ học là nhằm loại bỏ khỏi nước thải các chất phân tán thô, các chất vô cơ (cát, sạn, sỏi,…), các chất lơ lửng có thể lắng được bằng cách gạn lọc, để lắng, lọc,… và được thực hiện qua các công trình xử lý đơn vị tương ứng như: song chắn rác (hoặc lưới lược rác), bể lắng cát, bể tách dầu mỡ và các dạng chất nổi khác, bể điều hoà, bể làm thoáng sơ bộ (preaeation), bể lắng, bể lọc.

2. Các công đoạn trong xử lý cơ học

  • Song chắn rác được ứng dụng để loại bỏ khỏi nước thải các loại rác và các tạp chất có kích thước lớn hơn 5mm. Đối với các tạp chất nhỏ hơn thường sử dụng các loại lưới lược rác với nhiều cỡ mắt lưới khác nhau.
  • Bể lắng cát được thiết kế nhằm loại bỏ các tạp chất vô cơ mà chủ yếu là cát có trong các dòng nước thải.
  • Bể tách dầu mỡ thường được ứng dụng trong xử lý nước thải công nghiệp có chứa dầu mỡ, các chất nhẹ hơn nước và các dạng chất nổi khác. Đối với nước thải sinh hoạt, do hàm lượng dầu mỡ và các chất nổi không lớn nên có thể thực hiện việc tách chúng ngay ở bể lắng đợt I nhờ các thanh gạt thu hồi dầu mỡ, chất nổi trên bề mặt bể lắng.
  • Bể điều hoà thường được ứng dụng để điều hoà lưu lượng và nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải.

  • Bể lắng làm nhiệm vụ tách các chất lơ lửng còn lại trong nước thải (sau khi qua bể lắng cát) có tỷ trọng lớn hơn hoặc nhỏ hơn tỷ trọng của nước dưới dạng lắng xuống đáy bể hoặc nổi lên trên mặt nước. Thông thường bể lắng có ba loại chủ yếu: bể lắng ngang (nước chuyển động theo phương ngang), bể lắng đứng (nước chuyển động theo phương thẳng đứng), và bể lắng ly tâm (nước chuyển động từ tâm ra xung quanh) thường có dạng hình tròn trên mặt bằng. Ngoài ra, còn một số dạng bể lắng khác như bể lắng nghiêng, bể lắng xoáy được thiết kế nhằm tăng cường hiệu quả lắng.
  • Bể lọc được ứng dụng để loại bỏ các chất lơ lửng có kích thước nhỏ và được lọc qua lớp vật liệu lọc hoặc lưới lọc, màng lọc chuyên dụng. Thường bể lọc được ứng dụng trong xử lý nước thải của một số ngành công nghiệp hoặc xử lý bổ sung sau giai đoạn xử lý sinh học.

3. Hiệu quả xử lý cơ học

Đối với nước thải đô thị và nhiều loại nước thải công nghiệp khác nhau, xử lý cơ học là một quá trình hầu như không thể thiếu trong các hệ thống xử lý nước thải. Nó là bước ban đầu nhằm chuẩn bị cho các giai đoạn xử lý sau đó (nhất là xử lý sinh học, xử lý hoá lý) diễn ra thuận lợi và ổn định hơn. Giai đoạn xử lý cơ học có thể loại bỏ đến 60% các chất không tan và hàm lượng BOD có thể giảm 20 – 30%.

Để tăng nhanh hiệu suất công tác của giai đoạn xử lý cơ học (kết thúc giai đoạn xử lý cơ học thường là bể lắng đợt I) có thể ứng dụng các biện pháp kích thích quá trình lắng như làm thoáng và đông tụ sinh học. Quá trình làm thoáng (sục không khí) thường được thực hiện ở mương, máng dẫn nước thải vào bể lắng đợt I hoặc ở trong công trình riêng biệt. Bể làm thoáng được đặt trước bể lắng. Hiệu suất lắng đạt đến 60% so với 40-50% khi không có làm thoáng.

Quá trình đông tụ sinh học được thực hiện ở bể đông tụ sinh học (làm thoáng có bổ sung bùn hoạt tính) đặt trước bể lắng đợt I và hiệu suất lắng có thể đạt đến 70-75%.

Liên hệ Công Ty TNHH Công Nghệ Môi Trường Dovitech để được hỗ trợ.

5/5 (1 Review)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *