1. Định nghĩa
Bụi là một tập hợp nhiều hạt, có kích thước nhỏ bé, tồn tại lâu trong không khí dưới dạng bụi bay, bụi lắng và các hệ khí dung nhiều pha gồm hơi, khói, mù.
Bụi bay có kích thước từ 0.001- 10µm bao gồm tro, muội, khói và những hạt rắn được nghiền nhỏ, chuyển động theo kiểu Brown, hoặc rơi xuống đất với vận tốc không đổi theo định luật Stock. Về mặt sinh học, bụi này thường gây tổn thương nặng cho cơ quan hô hấp, nhất là khi phổi nhiễm bụi thạch anh do hít thở phải không khí có chứa bụi silic dioxic lâu ngày.
Bụi lắng có kích thước lớn hơn 10µm, thường rơi nhanh xuống đất theo định luật Newton với tốc độ tăng dần. Về mặt sinh học, bụi này thường gây tổn hại cho da, mắt, gây nhiễm trùng, gây dị ứng,…
2. Phân loại bụi
- Theo nguồn gốc: bụi hữu cơ như bụi tự nhiên (bụi do động đất, núi lửa,…); bụi thực vật (bụi gỗ, bông, bụi phấn hoa,…); bụi động vật (len, lông, tóc,…); bụi nhân tạo (nhựa hoá học, cao su, ciment,…); bụi kim loại (sắt, đồng, chì,…); bụi hỗn hợp (do mài, đúc,…)
- Theo kích thước hạt bụi: Khi D > 10µm gọi là bụi; D = 0.1µm: gọi là sương mù; D < 0.1µm: gọi là khói. Với loại bụi có kích thước nhỏ hơn 0.1µm(khói) khi hít thở phải không được giữ lại trong phế nang của phổi, bụi từ 0.1µm÷5µm ở lại phổi chiếm 80 – 90%, bụi từ 5µm÷10µm khi hít vào lại được đào thải ra khỏi phổi, còn với bụi lớn hơn 10µm thường đọng lại ở mũi.
- Theo tác hại: phân ra bụi độc chung (chì, thuỷ ngân, benzen); bụi gây dị ứng viêm mũi, hen, nổi ban,… (bụi bông, gai, phân hoá học, một số tinh dầu gỗ,…); bụi gây ung thư (bụi quặng, crôm, các chất phóng xạ,…); bụi gây xơ hoá phổi (thạch anh, quặng amiăng,…).
3. Tính chất lý hoá của bụi
- Tính phân tán: là trạng thái của bụi trong không khí, phụ thuộc vào trọng lượng hạt bụi (sức nặng) và sức cản của không khí. Bụi bé hơn 10µm sức cản gần bằng sức nặng, sẽ rơi theo tốc độ không đổi. Bụi có kích thước lớn hơn, sức nặng lớn hơn sức cản, nên sẽ rơi theo vận tốc tăng dần (bụi rơi có gia tốc). Như vậy những hạt có kích thước lớn hơn sẽ rơi xuống đất còn các hạt bé hơn sẽ bay trong không khí, trong đó bụi cỡ 2µm chiếm 40 – 90%. Ví dụ thạch anh cỡ 10µm trong không khí chuyển động mỗi giây rơi xuống được 7.87mm, bằng 100 lần tốc độ của hạt bụi có kích thước 1µm (0.078mm/s). Tính chất này cho ta thấy rõ ảnh hưởng của bụi đến việc thâm nhập vào cơ quan hô hấp và đến phương pháp phòng chống bụi.
- Tính nhiễm điện của hạt bụi: Nhờ kính hiển vi, người ta xác định được điện tích của hạt bụi. Bụi đặt trong một điện trường 3000V sẽ bị hút với tốc độ khác nhau tuỳ theo kích thước của hạt bụi. Khi thiết kế hệ thống xử lý bụi bằng phương pháp tĩnh điện cần lưu ý đến kích thước hạt bụi.
- Tính cháy nổ: bụi càng nhỏ diện tích tiếp xúc với oxy càng lớn thì tính hoá học càng mạnh và càng dễ bốc cháy, dễ gây nổ. Vì thế nghiêm cấm việc dùng lửa, tia lửa điện, đèn không có bảo vệ tại những nơi sản xuất sinh ra nhiều bụi dễ cháy, nổ.
- Tính lắng bụi do nhiệt: Nếu cho khói chuyển động từ một ống có nhiệt độ cao sang một ống có nhiệt độ thấp hơn rất nhiều sẽ có hiện tượng phần lớn khói lắng trầm trên bề mặt ống lạnh hơn. Hiện tượng này là do sự trầm lắng của các hạt do sự giảm tốc độ chuyển động của phân tử khí theo nhiệt độ.
Liên hệ Công Ty TNHH Công Nghệ Môi Trường Dovitech để được hỗ trợ.