1. Tác hại của bụi
Bụi sinh ra trong không khí sẽ gây rất nhiều tác hại cho con người, động vật, thực vật và ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Nhờ có hệ thống liên bào trụ lông ở mũi, khí phế quản và màng niêm dịch của đường hô hấp, mà ta có thể cản và loại trừ được 90% bụi kích thước lớn hơn và bằng 5µm. Các hạt bụi nhỏ dưới 5µm có thể theo không khí thở vào đến phế nang, sau đó chúng có thể bị loại bỏ ra khoảng 90%, số còn lại đọng ở trong phổi và đường hô hấp trên có thể gây ra một số bệnh ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người và các loài động vật.
2. Tác hại đối với con người và động vật
Bụi gây tác hại trực tiếp đến con người cũng như động vật, trước hết qua đường hô hấp chúng có thể gây nên các bệnh cho phổi, phế quản. Mặc khác, chúng có thể gây nên các bệnh cho da, mắt. Nguy hiểm nhất là một số bụi có thể gây ung thư. Một vấn đề cũng cần lưu ý là bụi còn gây ảnh hưởng gián tiếp cho người và động vật qua đường nước uống do nước bị nhiễm bụi. Các loại động vật nuôi cũng như hoang dã có tính nhạy cảm đối với ô nhiễm môi trường hơn con người.
Một số bệnh thường gặp của con người khi tiếp xúc trực tiếp với bụi:
– Bệnh nhiễm bụi phổi:
Đây là một bệnh thường gặp trong số các bệnh nghề nghiệp. Trong khoảng trên 20 năm lại đây, bệnh này chiếm khoảng 40 – 70% bệnh nghề nghiệp nội thương. Bệnh phổi nhiễm bụi là một bệnh nghề nghiệp. Bệnh gây ra do nguyên nhân thường xuyên hít thở bụi khoáng và kim loại dẫn đến hiện tượng xơ hoá phổi, làm suy chức năng hô hấp. Tuỳ theo loại bụi hít phải mà gây nên các bệnh bụi phổi khác nhau. Một số bệnh phổi thường gặp:
- Silicose: do phổi nhiễm bụi silic, thường gặp ở thợ mỏ, thợ khoan đá, thợ làm sạch bằng cát, đánh bóng, mài nhẵn, các nơi sản xuất có SiO2 ở nhiệt độ cao như làm gốm sứ, gạch chịu lửa,…;
- Asbestose: do phổi nhiễm bụi asbest, thường thấy ở thợ mỏ và chế biến asbest;
- Beriliose: do phổi nhiễm bụi berili, thường gặp ở thợ chế tạo có sinh bụi huỳnh quang;
- Aluminose: do phổi nhiễm bụi boxit, đất sét (bệnh Shaver);
- Anthracose: do phổi nhiễm bụi than (đôi khi kèm Silicose), thường thấy ở thợ mỏ và dân cư sống ở thành phố;
- Siderose: do phổi nhiễm bụi sắt, gặp ở người chế hoá quặng sắt, luyện kim, hàn điện.
– Bệnh ở đường hô hấp:
Tuỳ theo nguồn gốc các loại bụi mà gây ra các bệnh viêm mũi, họng, khí phế quản khác nhau. Bụi hữu cơ như bông sợi, gai, lanh dính vào niêm mạc gây viêm phù thũng, tiết nhiều niêm dịch. Bụi vô cơ rắn, cạnh sắc nhọn, ban đầu thường gây viêm mũi, tiết nhiều niêm dịch làm cho hít thở khó khăn, lâu ngày có thể làm teo mũi, giảm chức năng giữ lọc bụi, làm bệnh phổi nhiễm bụi dễ phát sinh. Ngoài ra còn kể các loại bụi như crom, asen, bụi len, mangan, photphat…có thể gây các bệnh viêm loét vách mũi, viêm mũi, phế quản, thay đổi tính miễn dịch của phổi…;
– Bệnh ngoài da:
Bụi tác động đến các tuyến nhờn làm cho da khô, phát sinh các bệnh về da. Ví dụ: Viên da trứng cá thường gặp ở công nhân đốt lò hơi, thợ máy, sản xuất cement. Bụi làm lở loét da như bụi vôi, thiếc, thuốc trừ sâu, dược phẩm,…;
– Bệnh gây tổn thương mắt:
Do không có kính phòng hộ, bụi bắn vào mắt gây kích thích màng tiếp hợp, viêm mi mắt, sinh ra mộng mắt, nhài quạt…Ngoài ra, bụi còn có thể làm giảm thị lực, bỏng giác mạc, thậm chí gây mù mắt;
– Bệnh tiêu hoá:
Bụi đường, bột có thể làm sâu răng, làm hỏng men răng. Bụi kim loại có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây rối loạn tiêu hoá.
2. Tác hại đối với thực vật
Hầu hết các chất ô nhiễm không khí đều có tác dụng xấu đến thực vật, gây ảnh hưởng có hại đến nhà nông và cây trồng. Khi bị tiếp xúc với chất ô nhiễm cây cối thường chậm phát triển, năng suất thấp, cháy lá, khô cây. Bụi có thể làm giảm khả năng quang hợp của cây do các bề mặt lá bị che lấp. Tuy nhiên cũng có một số loại bụi có tác dụng tốt đối với thực vật, ví dụ các chất photpho, nitơ, magiê…
3. Tác hại đối với vật liệu
Một số loại bụi, khi tiếp xúc với các thiết bị, đồ vật bằng kim loại trong không khí, sẽ gây ăn mòn các đồ vật hoặc thiết bị trên, đặc biệt là trong môi trường nóng ẩm như khí hậu nước ta.
Liên hệ Công Ty TNHH Công Nghệ Môi Trường Dovitech để được hỗ trợ.